top of page

CHUYỆN CHỢ LỚN - Tại sao người Hoa Chợ Lớn sống có vẻ bề bộn, lộn xộn?

Updated: Apr 28, 2021

Một đặc trưng dễ thấy ở khu Chợ Lớn là những ngôi nhà cũ kỹ, nứt vách, sơn hoen màu phủ đầy rêu phong, cây cối um tùm, nhìn vào nhà nào cũng chất đầy ấp đồ đạc, hàng hóa lỉnh kỉnh, không được chăm chút, nhìn vào cứ nghĩ là cái kho! Nhưng trong đó là cả câu chuyện, nếp sống của người Hoa

 

Vốn được tiếng giàu có, nhưng với quan niệm đặc hữu nên dường như người Hoa Chợ Lớn ít chăm chút cho căn nhà! Xóm An Duyên ở xung quanh vốn là hẻm kéo kẽm cho tổ hợp, nhà nào cũng đen kịt từ cửa, nhà lúc nào cũng tối om, mùi kẽm, mùi dầu máy chỉ cần đứng xa vài mét cũng hửi được, không riêng khu nhà An Duyên, mấy khu xung quanh gần như hễ nhà người Hoa là có buôn bán! Không sạp phô cũng thuốc bắc, ống nước, làm đinh, làm sắt, tiệm cơm, hủ tíu, vàng mã, tạp hóa... Hàng khi nào cũng chất đầy đến cửa, lách người mới vô được.


Sửa nhà là phá lộc.



Ai mà không tin phong thủy hay một chút tâm linh thì không phải người Chợ Lớn! Việc cất nhà liên quan mật thiết đến vận tài lộc cho gia chủ. Một khi ngôi nhà sinh của, sinh tài thì ít người Hoa nào dám tu sửa. Quán xá cũng vậy, làm ăn được là giữ nguyên từ đời này sang đời nọ, không thay đổi, có mở thì mở thêm cơ sở mới, xây thêm nhà mới, mua thêm xe mới. Những thứ gắn bó từ thời "cơ hàn" tuyệt nhiên không thay đổi!

Vậy mà đúng lắm, tiệm sủi cảo hoành thánh trên đường Gia Phú gần nhà An Duyên ngày xưa buôn bán phát đạt dù ngôi nhà xập xệ, còn có khoảnh sân toàn đá xà bần giữa nhà mà khách khi nào cũng ra vô tấp nập, vậy mà có tiền rồi xây lại nhà cho khang trang, mát mẻ cho khách đến đông hơn, vậy mà khách đâu đi hết trọi!


Tiền để làm ăn - "làm và ăn"



Người Kinh nhìn vào nhà cửa, xe cộ mà đánh giá giàu nghèo, còn người Hoa nhìn vào bữa ăn! Vốn cả ngày bôn ba làm ăn, mua bán, nhà chỉ là nơi để ngủ nên người Chợ Lớn ít tu sửa mà chú trọng bữa ăn và để dành tiền làm "vốn".

An Duyên có con nhỏ bạn tên Mỹ Linh, cứ tan học là ba mẹ nó chở đi ăn nhà hàng, nào là Thuận Kiều, Á Đông, Tân Lạc Viên... mà nhà nó thuộc dạng 4x4=16 mét vuông! Sàn thì đầy trứng muối, trứng vịt, trứng gà... Toàn là giàu ngầm ở nhà tầm tầm!

Người Hoa chuộng ăn ngon như cách giải trí, cách thương bản thân và cách lấy sức sau ngày buôn bán vất vả. Thay vì mua nhà đẹp hơn, xây nhà to hơn thì người Hoa bỏ tiền vào sản xuất, xoay vốn, mua sạp để tiền không bị "chôn chân".


Chuẩn tiểu thương "nhà là nhà kho"



Nếu người Kinh nhà chỉ là nơi để ở, hưởng thụ, nghỉ ngơi, thì người Hoa mua nhà phải để kinh doanh, sản xuất, lưu kho, trao đổi, buôn bán... Đối với tiểu thương quận 5, quận 6, quận 10, quận 11 thì nhà được ưu tiên cho buôn bán, trữ hàng hóa, do bán đắt quá nên làm gì có thời gian dọn dẹp! hưởng thụ cuộc sống trong căn nhà là điều thứ yếu trong gia đình người Hoa.

Thậm chí trong cái sự bừa bộn ấy là một sự "sắp xếp"! Thử tiện tay sắp xếp lại là ăn chửi ngay, vì mỗi thứ đang nằm đúng vị trí của nó, để tiểu thương dễ bề soạn hàng, dịch dời một chút, ngó là biết ngay. Ngăn nắp lại có khi gây họa, trong nét bừa bộn ấy lại là sự chăm chút kỹ lưỡng có toan tính cả đấy!


Cuộc sống mưu sinh tất bật dẫn thành lối sống, thành một nét đẹp bình dị của người Hoa. Cái nét cổ kính, bừa bộn ấy vậy mà trở thành "thương hiệu" của khu Chợ Lớn. Để giờ lớn lên An Duyên có ghé vào nhà hàng xóm, đều thấy lẩn khuất trong đó là những nét rất "duyên" có khi buộc miệng khen "nhà Día đẹp quá" lại bị gửi nhầm một ánh mắt nghi ngờ! Sự bừa bộn ấy chẳng qua là chủ ý, là tiện dụng, là để tích góp cho những mục đích tốt đẹp hơn.



Comments


bottom of page