Hôm nay An Duyên xin chia sẻ đôi chút về bệnh viện người Hoa ở Chợ Lớn, có những bệnh viện đã thay tên, nhưng vẫn còn đó những chứng danh một thời, những nét khó lẫn đi đâu được của tinh thần và văn hóa người Chợ Lớn. Một chủ đề ít được chia sẻ, mong sẽ góp ít điều hay ho.
Người Hoa trọng sức khoẻ, hay xây nhà thương.
Về cơ sở hạ tầng y tế, Sài Gòn đi sau Chợ Lớn đặc biệt về số lượng nhà thương được xây dựng, trước 1975, có tất cả 18 bệnh viện dân sự tại Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, riêng Chợ Lớn chiếm đến 10 bệnh viện. So với người Kinh, người Hoa rất chăm lo cho sức khỏe, điển hình là các món thuốc trong bữa ăn hằng ngày, nước mát, dãy tiệm thuốc đông y đường Lương Nhữ Học...
Bệnh viện ở Chợ Lớn được xây dựng nhờ lòng hảo tâm và khởi xướng của những hào nhân sĩ, thương gia, kỹ nghệ gia bởi các bang hội dành cho người trong cộng đồng người Hoa và một số dành cho người An Nam.
Một số nhà thương tiêu biểu của người Hoa
An Duyên xin liệt kê theo trình tự thời gian, do chẳng còn bao nhiêu nguồn có thể tìm kiếm, nên nếu anh chị có thêm kiến thức xin được nhận sự tổng hợp.
1. Nhà thương Chợ Quán - nay là Bệnh viện Nhiệt Đới (1862)
Là nhà thương lâu đời nhất ở Sài Gòn. Năm 1901, Chợ Quán trở thành Trung tâm huấn luyện Y khoa, từ năm 1902 là bệnh viện đa khoa trong đó có khoa tâm thần "Khu Bịnh tâm trí miễn phí".
Trước khi có bệnh viện thành phố Chợ Lớn, thì Chợ Quán chính là nơi nhân chữa cho bệnh nhân nghèo, trẻ em và thai phụ.
2 Nhà thương Triều Châu – bệnh viện An Bình (1885)
Khởi thủy của nhà thương là một ngôi chùa của người Hoa gốc Triều Châu, xây dựng vào năm 1892. Trước đó được xây cất từ 1885 đã có hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo miễn phí dựa trên nền tảng y học cổ truyền.
Do nhu cầu y tế của cộng đồng Triều Châu, bệnh nhân ngày một tăng, một nhà thương được xây mới vào năm 1916 với tên là Bệnh viện số 2 , đến năm 1945 bệnh viện chữa trị Tây Y lấy tên là Bệnh Viện Triều Châu
3. Nhà thương Bản xứ Nam Kỳ (Hôpital Indigène de Cochinchine) – Bệnh viện Chợ Rẫy (1900)
Nằm cạnh nhà ga xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho, đây là nhà thương lớn nhất Sài Gòn – Chợ Lớn lúc bấy giờ. Nhà thương gồm 7 tòa nhà lớn đúc bằng xi măng cốt sắt, biệt lập nhau trong vườn của khuôn viên bệnh viện.
Trong đó có
1 tòa nhà cao cấp dành cho người Âu, Hoa, Việt giàu, có trả lệ phí
1 tòa nhà dành cho phụ nữ An Nam
3 tòa nhà dành cho bệnh nhân người hoa và An Nam
1 tòa nhà cho bệnh truyền nhiễm
4. Y viện Quảng Đông (Nam Hải Lạc Thiện Đường) – Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương (1903)
Thoạt đầu, đây chỉ là một trạm xá đặt trong một ngôi nhà lá nhỏ do bang hội Quảng Đông mướn một Đông Y sĩ chuyên chuẩn mạch, bốc thuốc miễn phí cho người bệnh.
Đến năm 1903 cộng đồng Quảng Đông đã xây một trạm y tế và nâng cấp lên thành trạm xá mang tên “Nam Hải Lạc Thiện Đường” là một Dưỡng đường miễn phí – bệnh viện số 1.
1919 trạm xá được xây dựng lại với quy mô lớn hơn, được gọi là Y viện Quảng Đông, Y viện được xây dựng và tu bổ dưới sự ủng hộ của Tuệ Thành Hội Quán như một tổ chức đỡ đầu cho y viện. Y viện chủ yếu được điều hành và khám chữa cho người Quảng Đông với hình thức hợp tác điều hành giữa Bang hội và Y sĩ.
5. Nhà thương Drouhet – nay là bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (1908)
Được thành lập bởi thị trưởng Chợ Lớn Frederic Droughet với sự đóng góp lớn từ cộng đồng người Hoa như các ông Quách Diệm, Tạ Ma Diên…
Bệnh viện mở cửa với hai dãy nhà tiện nghi với nhà vệ sinh. Tiếp nhận chữa trị tất cả các bệnh nhân kể cả người Việt bản xứ.
6. Bảo Sanh Viện Chợ Lớn (La Meternité) – Bệnh viện phụ sản Hùng Vương (1909)
1902 ở Chợ Lớn đã có nhà bảo sanh đầu tiên của Đông Dương, xây dựng với sự đóng góp tài chính từ cộng đồng người Hoa. Viện Bào sanh là tòa nhà rộng lớn gồm 40 giường, 2 phòng dành riêng cho Tây
7. Nhà thương Phúc Kiến (Phước Thiện Nghĩa Từ Hôpital de Fou-Kiên) Bệnh viện Nguyễn Trãi (1909)
Thoạt nhìn hình ai cũng nghĩ là Chùa ông Bổn tại Hải Thượng Lãng Ông nhưng đây chính là Phước Thiện Nghĩa Từ bên trong bệnh viện Phước Kiến xưa. Người Hoa Phước Kiến xây dựng 1909 cho đến 1946 được đưa Tây Y vào sử dụng để điều trị cho bệnh nhân cho tới 1957 thì có thêm khoa hộ sản. Sau 1975 đổi tên thành bệnh viện Nguyễn Trãi.
8. Nhà thương người Hẹ - Bệnh Viện Sùng Chính (1920)
Y Viện Sùng Chính được nhóm cộng đồng người Hẹ (Khách Gia) xây dựng 1920.
Đến năm 1962 ông Từ Nhận Đức, trưởng bang Hẹ phát động quyên góp tiền và ông Dư Nam Hi hiến gần 6000 m2 đất đề xây dựng bệnh viện cho người nghèo mang tên Sùng Chính, đến năm 1971 có đến 100 giường bệnh.
9. Bảo Sanh Viện Đông Dương Maternité Indochinoise – Bệnh viện Từ Dũ (1937) Do sự cần thiết phải có một bệnh viện phụ sản riêng cho thành phố Sài Gòn, ông Hui Tang Hung đã hiến đất đai nhà cửa trên đường d’Arras và tiền để xây dựng một bệnh viện phụ sản cho người Sài Gòn.
Sau khi xây dựng lại bị trưng dụng làm nơi đóng quân cho quân đội Nhật, đến 1943 mới được chính thức hoạt động.
Sự có mặt của người Hoa tại Sài Gòn, Chợ Lớn đã góp phần không nhỏ hỗ trợ và cùng phát triển, thay đổi đời sống an sinh của người dân bản xứ. Ngày nay những dấu tích về văn hóa người Hoa cũng còn khá rõ nét trong lối kiến trúc, trang trí tại các bệnh viện.
---
*Xem thêm các bài viết về Chợ Lớn tại: https://www.anduyencholon.com/blog/categories/chuyện-chợ-lớn
Hoan hỉ,
An Duyên
-----------------
AN DUYÊN CHỢ LỚN - Ẩm Thực Chợ Lớn
𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 028.629.88668
𝐀𝐝𝐝𝐫𝐞𝐬𝐬: 15 Trần Điện, P10, Q5
#cholon #cholondowntown #chợlớn #madeincholon #kayatoast #cholonfood #saigonfood #foodysaigon #foodycholon #an_duyên_chợ_lớn #chinatown #quận5 #saigon #saigonese #món_hoa #ansapsaigon #ansapquan5 #foody
Comments