CHUYỆN CHỢ LỚN - Tìm hiểu những vị thần trong hội quán Chợ Lớn (phần 2)
top of page

CHUYỆN CHỢ LỚN - Tìm hiểu những vị thần trong hội quán Chợ Lớn (phần 2)

Trong phần 1 chúng ta đã đi qua một số vị thần phổ biến trong văn hóa tâm linh người Hoa Chợ Lớn, những vị thần được thờ cúng trong hầu hết các hội quán. Nay chúng ta sẽ đi sâu vào tìm hiểu những vị thần ít được biết nhưng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống người dân Chợ Lớn

 



Ngọc Hoàng Đại Đế 玉皇上帝



Ngài còn được gọi là Vua cha Ngọc Hoàng, Cha Trời, Ông Trời - vị thần tạo hóa, sinh ra vạn vật từ cỏ cây đến con người, là đấng quyền uy tối cao nhất. Trong cõi âm dương của vạn vật, từ bầu trời, mặt đất, biển cả cho đến cõi âm phủ linh thiêng đều dưới bàn tay Ngọc Hoàng cai trị.


Bởi thế nên Ngài có quyền “hô mưa, gọi gió”, điều khiển các quyền năng của tự nhiên như mây mưa, sấm chớp, nước lửa cũng như ra lệnh cho các vị thần tiên khác thực hiện theo ý chỉ của mình, thường là những điều có lợi cho cuộc sống của muôn loài và vạn vật. Sở hữu quyền năng như vậy nên tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế được nhân dân tôn sùng và thờ tự


 

12 Bà Mụ - 十二婆姐



Xưa kia nuôi một đứa trẻ sơ sinh cho đầy tháng cũng như tròn năm là rất khó. Cho nên người ta tin có sự phò hộ của các đấng vô hình. Không bà mẹ nào ở Chợ Lớn mà không từng biết đến ơn đức của 12 Bà Mụ, trong lễ thôi nôi của trẻ chính là để tạ ơn 12 Bà Mụ đã nắn tay chân, tạo hình hài cho đứa bé, bảo hộ cho trẻ được tròn tháng, tròn năm.


Trần Tứ Nương, coi việc sanh đẻ (chú sanh)

Vạn Tứ Nương, coi việc thai nghén (chủ thai)

Lâm Cửu Nương, coi việc thụ thai (thủ thai)

Lưu Thất Nương, coi việc nặn hình hài nam, nữ (chủ giới tính).

Lâm Nhất Nương, coi việc chăm sóc bào thai (an thai)

Lý Đại Nương, coi việc chuyển dạ (chuyển sanh)

Hứa Đại Nương, coi việc khai hoa nở nhụy (hộ sản)

Cao Tứ Nương, coi việc ở cữ (dưỡng sanh)

Tăng Ngũ Nương, coi việc chăm sóc trẻ sơ sinh (bảo tống)

Mã Ngũ Nương, coi việc ẵm bồng con trẻ (tống tử)

Trúc Ngũ Nương, coi việc giữ trẻ (bảo tử)

Nguyễn Tam Nương, coi chứng kiến và giám sát việc sinh đẻ (giám sinh).


Tương truyền, Ngọc Hoàng xưa kia dùng chất tinh túy, chắt lọc trong trời đất để chế tạo nên con người, vì vậy nên con người luôn thông minh hơn loài vật khác. Việc nặn nên loài người cũng công phu hơn các loài vật khác nên Ngọc hoàng giao cho 12 bà Mụ( 12 nữ thần khéo tay nhất) để họ nặn ra tác phẩm đỉnh cao nhất.


 

13 Đức Thầy



Nếu kể đến 12 Bà Mụ thì không thể quên 13 Đức Thầy những vị thần quản việc dạy bảo cho trẻ từ lúc sinh đến lúc trưởng thành.


- 6 Thầy dạy Lục Tánh: Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Lạc, Ai, 6 loại cảm xúc của con người, để thành công trong cuộc sống thì ai cũng phải quản được 6 loại cảm xúc của bản thân.


- 6 Thầy dạy về Lục Kinh:

Kinh Dịch: học về thay đổi âm dương, ngũ hành, trời đất.

Kinh Lễ: đạo đức, lễ nghĩa làm người, kỷ cương, luât pháp...

Kinh Thư: học cái đúng, cái tốt đẹp, phê phán, loại bỏ cái xấu...

Kinh Thi: ghi chép địa lý, muôn vật,...

Kinh Nhạc: cách tận hưởng niềm vui trong cuộc sống

Kinh Xuân Thu: vạn vật tan hợp


- Đức Bảo Sanh Đại Đế 保生大帝 Thần Bảo Sanh Đại Đế, vừa là một vị thần của tín ngưỡng dân gian, vừa mang dáng dấp tiêu biểu của Lão giáo.


 

Ngũ Hành Nương Nương 五行娘娘



Bắt nguồn từ triết học Ngũ hành của người Trung Hoa cổ, Ngọc Hoàng sinh ra vạn vật và vận hành bởi 5 yếu tố: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, để cai quản, dân gian thờ phương Ngũ Hành Nương Nương.


Các vị Chúa Bà Ngũ Hành được thờ tự bao gồm:

  • Đệ Nhất Chúa Bà Kim Tinh Thần Nữ (第一主婆金星神女)

  • Đệ Nhị Chúa Bà Mộc Tinh Thần Nữ (第二主婆木星神女)

  • Đệ Tam Chúa Bà Thủy Tinh Thần Nữ (第三主婆水星神女)

  • Đệ Tứ Chúa Bà Hỏa Phong Thần Nữ (第一主婆火風神女)

  • Đệ Ngũ Chúa Bà Thổ Đức Thần Nữ (第一主婆土德神女)

Với đặc điểm là một nước nông nghiệp trồng lúa nước. Vụ mùa bội thu cuộc sống ấm no hay không phụ thuộc rất nhiều vào nắng, gió, mưa sa của trời đất nên tín ngưỡng thờ Chúa Bà Ngũ Hành càng phát triển và trở nên phổ biến tại Việt Nam đặc biệt tại các tỉnh Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ.


 

Tề Thiên Đại Thánh (齊天大聖)



Là một nhân vật giả tưởng, tuy nhiên Tôn Ngộ Không đã đi vào đời sống tâm linh của người Hoa một cách sâu sắc. Ngài có một sức mạnh phi thường, là một pháp sư, nhà sư, thánh nhân, chiến binh nhà trời. Tôn Ngộ Không đại diện cho cái Tâm của người tu hành, hành trình đi lấy kinh cũng chính là rèn luyện cho cái tâm để giác ngộ thành Đấu Chiến Thắng Phật.


Để nhắc nhở về tâm tính cũng như tôn kính ngài về sự thần thông quản đại, trừ gian diệt quái, luôn bảo vệ bá tánh và thường dân. Trong quá trình di dân thế kỷ 17-19 cộng đồng Phước Kiến đã mang theo tục thờ Tề Thiên Đại Thánh đến các vùng đất mới trong đó có Chợ Lớn.


 

Phần 1 anh chị có thể xem tại đây, An Duyên rất vui khi nhận được những góp ý và đóng góp để cùng nhau hoàn thiện danh sách những vị thần tại Hội Quán mà anh chị muốn khám phá. Trong nội dung một bài tổng hợp An Duyên khó mà nêu đầy đủ tích, truyện, tài phép của các Thần mà chỉ tóm ý sơ lược về lý do được thờ phượng, mong anh chị thông cảm.


Hoan hỉ,

An Duyên


bottom of page