Sài Gòn - Chợ Lớn xưa không ít những cây cầu hình dạng đặt biệt như cầu chữ U, cầu chữ Y, cầu Đa Kao - nhưng chẳng có cây cầu nào lạ như cầu Ba Cẳng. Cùng An Duyên tìm về một ký ức xưa của Chợ Lớn với hình ảnh cây cầu ba nhịp vòng này.
Mỗi khi xem lại bộ phim "The Quite American" hình ảnh tác họa Chợ Lớn, Sài Gòn xưa gợi lại cho An Duyên không biết bao nhiêu cảm xúc, đặc biệt là phân cảnh Pyle bị hạ sát đơn độc dưới chân cầu, góc máy kéo dài ra khung cảnh phồn hoa, đèn treo rực rỡ, hình ảnh cây cầu Ba Cẳng hiện ra, với nhiều lồng đèn treo lơ lững... Bấy nhiêu đó cũng thôi thúc An Duyên tìm hiểu và viết lại về cây cầu đặc biệt này.
Cũng có lần, An Duyên ngồi ăn xe mì cũ của một chú Tiều, giọng chú lơ lớ bàn chuyện thời sự cùng một vài người bạn già về con kênh mới được khai lại dòng sau chợ Kim Biên, chú lại than lên nuối tiếc, đại ý "xưa ngày nào cũng gánh cái gánh mì leo lên mấy bật thang cây Cầu Ba Cẳng, xưa thấy mệt mà giờ thấy nhớ nó ghê". Có những cảnh cũ, mà cũng làm con người nhớ nguôi ngoai như nhớ người thân?
Lịch sử cây "cầu Ba Cẳng" - được xây bởi chủ hãng xà bông Cô Ba
Cầu Ba Cẳng được công ty Pháp xây dựng năm 1914 ở quận 6 ngày nay - từng có tên “Pont des 3 arches”, cầu Khâm Sai. Cầu được xây ở vị trí ngã ba con kênh Hàng Bàng đổ ra rạch Tàu Hủ. Tên gọi đậm chất Nam Bộ "Ba cẳng" được mọi người quen gọi, mang tính tượng hình đặc trưng cho ba chân cầu với những bậc thang đi xuống.
Cầu Ba Cẳng ban sơ là chiếc cầu ván gỗ, bị sập do dân chúng kéo nhau lên xem nhà cháy...Sau được gia đình ông Trương Văn Bền (chủ hãng xà bông cô Ba) tài trợ, được công ty xây dựng Brossard et Mopin thực hiện và bị dập bỏ vào những năm 1990.
Đặc trưng kiến trúc của cầu Ba Cẳng
Cầu Ba Cẳng là đỉnh cao trong kỹ thuật xây cầu ở Chợ Lớn, để phục vụ cho nhu cầu ghe tàu qua lại giữa ngã ba kinh, cây cầu không hề có trụ hay nhịp chống giữa kinh, tránh cản trở và gây nguy hiểm khi tàu ghe qua con kinh nhỏ. Để tả về hình dáng cầu Ba Cẳng, họa sĩ Trần Quang Hiếu có đoạn miêu tả "Hiếu thích nhất là cầu Ba-Cẳng, hình vòng cung ba nhánh cao như Khải Hoàn Môn, ngự trên ngã ba sông, xi măng cốt sắt phong rêu thiên cổ"
Khác với cầu Muối, cầu Mống, cầu Ông Lãnh, Cầu Ba Cẳng là một cây cầu dành riêng cho người đi bộ, không có xe chạy, nên thường xuyên là địa điểm chụp hình, khắc họa tranh vẽ của nhiều nghệ sĩ. Từ cầu Ba Cẳng có thể nhìn bao quát cảnh sông nước, mua bán, làm ăn của dân Chợ Lớn.
Qua thời gian, chiếc cầu hư hao dần, không còn được nhiều người quan tâm vì nói cho cùng nó chỉ còn là nơi hóng gió hay tụ tập, không thật sự cần cho người dân quanh vùng vì các con kinh bị lấp, qua lại dễ dàng hơn.
Đời sống quanh cầu Ba Cẳng và "dân chơi Cầu Ba Cẳng"
Trước năm 1960
Xung quanh cầu Ba Cẳng là cảnh chợ búa vô cùng tấp nập, là nơi luân chuyển và kho hàng hóa lớn của Chợ Lớn, cảnh ghe tàu đủ kiểu, đủ cỡ, tập trung đen kịt ngay ngã ba sông chở khạp, lu, hủ, chậu, bình, chồng chất đầy khoang, giao hàng khắp lục tỉnh Nam Kỳ. Trên bờ là vô số các loại gốm sứ, từ cái muỗng, cái chén, tô, dĩa tập trung bởi các thương gia người Hoa, xe kéo, xe mì, phu vạn, khắp nơi nhộn nhịp.
Sau năm 1960
Buôn thương miền Tây kéo lên tấp nập, dòng kinh khi đó chưa đến nỗi ô nhiễm, nên từ tàu ghe, họ tấp dần vào bắt đầu quá trình lấn chiếm, xây những dãy nhà sàn bằng gỗ, ván, mọi loại vật liệu chắp vá, sinh sống và thải trực tiếp xuống lòng con kinh. Cây cối xanh tươi nhường chỗ cho những căn nhà ọp ẹp, dòng kinh bị lấp đầy bởi rác thải đến nỗi ghe thuyền không cặp bến được.
Cây cầu là nơi chứng kiến vạn vật đổi thay, có nhiều hôm xôn xao cả xóm vì có cô nào đó nhảy cầu tự tử vì tình, anh nào đó tử tự vì nợ cờ bạc. Những chiếu bạc cầu Ba Cẳng là thiên đường, các môn tứ sắc, bài cào, tài xỉu, bầu cua, làm ăn "thịnh vượng". "Dân chơi cầu ba cẳng" cũng ra đời, một hỗn danh để nói về "thứ dân" ăn chơi không có đẳng cấp, không sành điệu, nhát cáy.
Sau gần một thế kỷ tồn tại, cầu Ba Cẳng đã xuống cấp nặng nề và bị sập vào năm 1990. Từ đó, một hình ảnh quen thuộc của Sài Gòn xưa đã vĩnh viễn biến mất. Giờ đây khi đi ngang phía sau chợ Kim Biên, chỉ còn thấy một dòng kinh nhỏ mới được khơi lại theo dự án Kinh Hàng Bàng của nhà nước, An Duyên lại thấy nao nao, phải chi được tận mắt thất, tận tai nghe, sống tận tình, ăn chơi tận mạng ở nơi này khi ấy có lẽ mới ngộ được đủ đầy cái đẹp của cầu Ba Cẳng.
An Duyên, ----------------------------------- AN DUYÊN CHỢ LỚN - Ẩm Thực Chợ Lớn 𝐖𝐞𝐛:anduyencholon.com 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 028.629.88668 𝐀𝐝𝐝𝐫𝐞𝐬𝐬: 15 Trần Điện, P10, Q5
NHÀ HÀNG CHAY BẾP XANH AN DUYÊN 𝐖𝐞𝐛:bepxanhanduyen.com 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 028.2212.9947 𝐀𝐝𝐝𝐫𝐞𝐬𝐬: 10 Nguyễn Tri Phương, P6, Q5
#cholon #cholondowntown #chợlớn #madeincholon #kayatoast #cholonfood #saigonfood #foodysaigon #foodycholon #an_duyên_chợ_lớn #chinatown #quận5 #saigon #saigonese #món_hoa #ansapsaigon #ansapquan5 #foody
Comments