CHUYỆN CHỢ LỚN - Tết ông Táo, sự khác biệt giữa người Hoa & Kinh
top of page

CHUYỆN CHỢ LỚN - Tết ông Táo, sự khác biệt giữa người Hoa & Kinh

Chẳng biết từ khi nào, như một thói quen của người Việt Nam, 23 tháng Chạp, Tết ông Công ông Táo cũng là ngày bắt đầu vào việc chuẩn bị Tết. Tuy nhiên ở Chợ Lớn, có nhiều nhà đã đến 23 mà còn chưa thấy đưa ông Táo? Vậy sự khác nhau giữa tín ngưỡng người Kinh và người Hoa Chợ Lớn về cúng ông Táo có gì khác biệt?

 

An Duyên Chợ Lớn, tiệm cơm, Chợ Lớn, An Duyên, món hoa, món Trung hoa, món ngon quận 5, nhà hàng quận 5, quán ăn quận 5, ăn gì quận 5, food review, chợ lớn xưa, chợ lớn nay, cholondowntown, chợ lớn ngày nay, văn hóa chợ lớn, chợ lớn xưa và nay, chuyện chợ lớn, đánh giá tiệm ăn Chợ Lớn, tiệm ăn gia đình quận 5, tiệm cơm q5, món người hoa, tiệm cơm người hoa
Tết ông Táo

* Cúng kiếng đối với bà con người Hoa chỉ nhằm mục đích giữ gìn truyền thống, không lợi dụng việc cúng kiếng để thù tạc, nhậu nhẹt.


Táo quân người Hoa khác với Táo quân Việt Nam



Táo quân người Hoa: 1 ông, 1 bà

Trong tiếng Hoa 灶君, Táo Quân là "Zao Wang" hay "Zao Shen", chữ "Zao" mang ý nghĩa cái bếp lò. Dân gian gọi là Táo Vương, Táo Quân, Ông Táo, Táo Vương Gia hay Thuận Diện Công, Tư Mệnh Công, Ngũ Quan Thần. Đối với người Hoa từ xưa đến nay, Thần Bếp là vị thần có vị trí cao nhất trong có trong số các vị thần. Ở thời nhà Hán, chỉ có những kẻ có địa vị cao mới có tư cách cúng tế Thần Bếp, trong khi bách tính thường dân chỉ có thể thờ cúng tổ tiên của mình.

Trong quyển "Dậu Dương Tạp Trở" thời nhà Đường có ghi chép: Táo Quân tên là Ngôi, dáng vẻ như mỹ nữ; vợ của Táo Quân là Khanh Kỵ; có 6 người con gái, tất cả đều được gọi là Sát Hiệp.

Nhiệm vụ của Táo Quân là cứ mỗi cuối tháng sẽ trở về trời bẩm báo lại mọi hành vi của bách tính. Trong "Bắc Kinh mộng hoa ký: Tháng 12" có nhắc đến phong tục của Bắc Tống như thế này: Ngày 24 tháng 12 âm lịch là thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, người dân đã mời các tăng sư đến đọc kinh từ tối, chuẩn bị mâm trái cây và rượu ngon để tiễn Táo Quân về trời.

Táo quân người Kinh: 2 ông, 1 bà

Ông Công ông Táo trong tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, ngày nay được Việt hóa thành sự tích “2 ông 1 bà” - vị thần đất, vị thần nhà và vị thần bếp núc.

Người Kinh quan niệm rằng “ba vị Thần Táo (hay vua Bếp) định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình là do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà.


Hằng năm, ngày 23 tháng Chạp (ngày Táo Quân lên chầu trời), ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép hóa rồng lên trời để báo cáo với Ngọc Hoàng tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong năm để Thiên Đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người.


 


Sự tích nhà Táo


Của người Hoa:

Chuyện xưa kể rằng, Táo Quân vốn là vị thần bếp ở trên thiên đình, chuyên phục vụ chuyện bếp núc cho Ngọc Hoàng và Vương Mẫu nương nương. Vào một ngày nọ, khi Vương Mẫu mở tiệc mừng thọ, rất đông các chư vị thần tiên từ khắp nơi tới chúc tụng.

Bữa tiệc mừng hôm đó do Táo Quân làm đầu bếp chính. Rất nhiều sơn hào hải vị được chính tay vị thần này nấu nướng khiến Ngọc Hoàng, Vương Mẫu và chư vị thần tiên đều hài lòng.

Tuy nhiên tới món tráng miệng cuối cùng là bánh hoa cúc lại không được đưa lên. Táo Quân đành khai nhận với Ngọc Hoàng, trong lúc làm đã ăn hết số bánh định chuẩn bị. Sau đó, Táo Quân bị đẩy xuống hạ giới làm thần bếp. Hàng năm cứ vào dịp 23 tháng Chạp, ông Táo lại về chầu trời một lần. Khi đó, vị thần này sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc xảy ra trong một năm của gia chủ.


Của người Kinh

Thị Nhi có chồng là Trọng Cao, tuy ăn ở mặn nồng thiết tha với nhau nhưng mãi không có con. Vì vậy, Trọng Cao dần dần kiếm cớ gây chuyện và xô xát dằn vặt vợ mình. Cho đến một hôm chỉ vì chuyện nhỏ mà Trọng Cao biến thành chuyện lớn đánh Thị Nhi và đuổi ra khỏi nhà. Thị Nhi vì thế mà bỏ nhà đi lang thang đến một nơi xứ khác, sau đó gặp và phải lòng Phạm Lang, hai người này kết duyên thành vợ chồng. Còn Trọng Cao sau đó nguôi giận, ân hận vì đã đuổi vợ nhưng lúc đó Thị Nhi đã bỏ đi xa rồi. Vì quá day dứt và nhớ nhung người vợ của mình, Trọng Cao đã lên đường tìm kiếm vợ.

Trọng Cao tìm mãi mà không thấy, trong tay thì không còn gì, gạo hết, tiền hết nên anh phải làm kẻ ăn xin dọc đường. Tình cờ sau đó Trọng Cao đã ăn xin đúng nhà của Thị Nhi. Nhân lúc Phạm Lang không có ở nhà và nhận ra chồng cũ, Thị Nhi mời Trọng Cao vào nhà, nấu cơm mời anh. Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về, Thị Nhi sợ chồng nghi oan nên đã giấu Trọng Cao dưới đống rạ sau vườn. Trọng Cao khi đó vì quá mệt nên đã ngủ thiếp đi và không biết gì.

Không may đêm ấy, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng, thấy lửa cháy nên Thị Nhi đã lao mình vào đống lửa cứu Trọng Cao. Phạm Lang khi đó thương vợ nên cũng nhảy theo vào cứu và cả ba đều chết trong đống lửa.

Ngọc Hoàng thương tình thấy cả 3 người khi còn sống đều có nghĩa có tình nên phong cho làm vua Bếp (hay còn gọi là Định phúc Táo Quân). Khi đó, gia đình Táo gồm 1 bà 2 ông, Phạm Lang được phong là Thổ Công trông coi việc trong bếp, Trọng Cao là Thổ Địa trông coi việc trong nhà và Thị Nhi là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.


 

Thời gian đưa rước ông Táo



Người Hoa

Theo quan niệm của người Hoa thì sớm ngày 25 tháng Chạp, Táo Quân phải vào chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế, còn Táo Bà thì vào Tây Vương Mẫu tại Diêu trì cung. Do vậy, từ xưa có thuyết vua quan mới làm lễ tiễn Táo Quân vào ngày 22 hoặc 23. Còn đông đảo nhân dân thì tiễn Táo Quân vào tối 24. Chiều tối 30 Tết hoặc mùng 4 (tùy vùng), vợ chồng Táo Ông, Táo Bà mới trở về trú xứ.


Người Kinh

Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người Kinh tất bật chuẩn bị mâm cỗ, tiễn ông Táo về trời để báo cáo với Ngọc Hoàng mọi chuyện lớn nhỏ của gia chủ. Một số gia đình có thể cúng sớm hơn từ 21 tháng Chạp nếu không thu xếp được thời gian. Người Kinh cho rằng mỗi nhà phải làm lễ đón ông Táo trở về vào ngày 30 tháng Chạp (hoặc ngày 29 tháng Chạp, tùy theo lịch âm).


 

Phương tiện di chuyển:



  • Người Hoa: Táo Mã – Táo kiệu: ông Táo di chuyển bằng ngựa, cò hoặc kiệu

  • Người Kinh: Cá chép


 

Vật phẩm:



Người Hoa:

  • Giấy tiền vàng bạc: đặc biệt phải có một loại đồ mã gọi là "cò bay ngựa chạy". Ngụ ý nếu Táo Ông, Táo Bà muốn đi đường bộ thì dùng ngựa, muốn lên trời thì cưỡi hạc. Có gia đình còn cúng kèm cỏ tươi để giúp ông Táo thăng thiên sớm hơn.

  • Bôi rượu lên các cánh cửa bếp: để Táo Quân rơi vào trạng thái nửa mê nửa tỉnh, khó có thể tâu bẩm lại toàn bộ lỗi sai của gia chủ

  • Một cặp mía gọi là "gậy ông Táo": Cây mía với nhiều bậc mắc mía tượng trưng cho những bậc thang khi ông táo leo lên về trời, vì vậy người đi mua mía chọn những cây nào to chắc khỏe để mua

  • Một lá sớ của chủ nhà thờ Táo Quân dâng lên Ngọc Hoàng Thượng Đế.

  • Bánh kẹo, đường chè ngọt: 2 chữ "ngọt " và "dính". "Ngọt" có nghĩa là hi vọng Táo Quân sẽ nói nhiều lời ngon tiếng ngọt. "Dính" ý chỉ muốn trực tiếp "khóa" miệng của Táo Quân, để khi ông về trời sẽ nói những việc tốt đẹp, những điều "ngọt ngào", hạn chế những thông tin xấu.

  • Khi nghi lễ khấn bái đã xong xuôi, gia chủ sẽ mang bức hình ông Táo đốt cùng giấy tiền, vàng mã.


Người Kinh:



  •  Lễ phóng sinh cá chép

  • Bộ mũ ông Công ba cỗ (hai mũ đàn ông có cánh chuồn và một mũ đàn bà không có cánh chuồn) kèm quần áo.

  • Bánh ngọt hay kẹo làm từ mạch nha khiến ông Táo vui vẻ, chỉ "nói ngọt" những điều dễ nghe.

  • Mâm cơm đưa ông Táo, gồm xôi, chè, gà, thịt có nhiều nhà còn cúng trầu cau

  • Các loại hương hoa để trình báo với Bồ Tát hoặc các vị thần khác.


 

Hiện nay, do nhịp sống hối hả, tục tiễn Táo Quân về trời của người Hoa không được người dân chuẩn bị cầu kỳ như trước, nhiều gia đình chỉ cúng kẹo tượng trưng, dán giấy mới vào nhà và dọn dẹp nhà cửa. Mọi nghi thức cúng bái cũng được làm giản tiện hơn trước.


--- *Xem thêm các bài viết về Chợ Lớn tại: https://www.anduyencholon.com/blog/categories/chuyện-chợ-lớn Hoan hỉ, An Duyên

----------------- AN DUYÊN CHỢ LỚN - Ẩm Thực Chợ Lớn 𝐖𝐞𝐛:anduyencholon.com 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 028.629.88668 - 0908421.461 𝐀𝐝𝐝𝐫𝐞𝐬𝐬: 15 Trần Điện, P10, Q5


1,757 views1 comment
bottom of page