CHUYỆN CHỢ LỚN - ĐI PHAN THIẾT XEM HỘI NGHINH ÔNG QUAN THÁNH ĐẾ QUÂN
top of page

CHUYỆN CHỢ LỚN - ĐI PHAN THIẾT XEM HỘI NGHINH ÔNG QUAN THÁNH ĐẾ QUÂN

Hơn 160 năm lễ hội lớn nhất của người Hoa ở Bình Thuận

Hẳn ai ở Chợ Lớn, có niềm yêu mê văn hoá, gắn bó với những lễ hội của cộng đồng người Hoa đều một lần từng nghe phong thanh về lễ hội Nghinh ông tuần du với đặc trưng là Thanh Long khổng lồ được diễu hành xung quanh thành phố Phan Thiết! Những một lần đến đây trải nghiệm, là một người con lớn lên ở Chợ Lớn, cũng nghiêng mình thán phục với độ hoành tráng, sự gắn bó và cách làm lễ hội chỉn chu của cộng đồng người Hoa nơi đây!


 

An Duyên Chợ Lớn, tiệm cơm, Chợ Lớn, An Duyên, món hoa, món Trung hoa, món ngon quận 5, nhà hàng quận 5, quán ăn quận 5, ăn gì quận 5, food review, chợ lớn xưa, chợ lớn nay, cholondowntown, chợ lớn ngày nay,   văn hóa chợ lớn, chợ lớn xưa và nay, chuyện chợ lớn, đánh giá tiệm ăn Chợ Lớn, tiệm ăn gia đình quận 5, tiệm cơm q5, món người hoa, tiệm cơm người hoa
Lễ hội nghinh ông - Phan Thiết

Đi theo Nghiệp đoàn cổ nhạc Triều Quần, lưu trú cạnh hội quán Triều Châu - Phan Thiết, An Duyên không khỏi bất ngờ khi "người Chợ Lớn" ở các hội quán lớn đều cử đoàn đại diện ủng hộ tham gia, góp một tay cho buổi diễu hành thêm long trọng và hoành tráng.


Trong thời gian này, ghé các hội quán mới thấy được sự tất bật chuẩn bị cho ngày lễ hội, chẳng cần biết khách từ đâu đến, chỉ cần vào hội quán là đều được đón tiếp nồng hậu, một điều rất ít thấy ở các nơi khác. Tuy nơi đây chỉ còn lại tứ bang như Triều Châu - Quảng Đông - Hải Nam - Phúc Kiến và đời sống và kinh tế cũng không hẳn dư giả, nhưng tinh thần dân tộc, lưu giữ và phát huy truyền thống của bậc tiên hiền rất được trân trọng và đầu tư tới nơi tới chốn.


---


TỤC LỄ HƠN 200 NĂM


Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức vào tiết Trung nguyên theo năm chẵn ( 2 năm / lần) lễ hội lưu truyền từ hơn 160 -200 năm trước. Chẳng biết từ khi nào, chỉ ước chứng từ đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và được tổ chức tự do dưới triều vua Tự Đức.



Tục thờ ông Quan Công trải dài từ Nam chí Bắc, đâu đó cũng hàng trăm đền thờ ông được dựng lên, nhưng ít đâu có quy mô và hoành tráng như tại Phan Thiết. Đặc biệt ở miền đất giao thoa với các lễ hội bản xứ từ xa xưa trên đất Chiêm Thành, như lễ Ka tê của người Chăm, lễ hội Dinh Thầy Thím, lễ Cầu ngư của người Việt, giữ gìn truyền thống qua các lễ hội có lịch sử hàng trăm năm nơi đất khách của người Hoa Phan Thiết quả thật ngưỡng mộ.


---


SỰ ĐOÀN KẾT ĐÁNG NGƯỠNG MỘ


Nếu như ở Chợ Lớn có diễu hành Tết Nguyên Tiêu, thì ở Phan Thiết có diễu hành Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân, nếu nói về độ hoành tráng thì tám lạng- nửa cân, nhưng nếu xét về tính cộng đồng thì chắc hẳn Chợ Lớn có đôi chút chạnh lòng. Chắc do cộng đồng người Hoa nơi đây không quá lớn, nên sự gắn bó mật thiết có phần bền chặt hơn hẳn.



Đoàn diễu hành mỗi kỳ được chủ trì bởi Quan Đế Miếu (hội quán tứ bang) - bốn hội quán nơi đây đều hoạt động dưới sự điều hành của Quan Đế Miếu. Ban Nghi Lễ được thành lập huy động mỗi bang 2 người - Không chỉ nghi lễ Nghinh Ông mà các lễ khác của cộng đồng đều được 8 vị này cử hành.

Thứ tự rước đoàn của các hội quán sẽ như sau: Quan Đế Miếu - Phước Kiến - Quảng Đông - Triều Châu - Hải Nam. Trước một ngày có lễ ra mắt của 4 hội quán với thứ tự như trên


Những người tham gia biểu diễn được lựa chọn kỹ lưỡng, dung nhan đẹp đẽ, quần áo được đầu tư vô cùng chỉn chu, luyện tập cả tháng trước khi lễ hội chính thức diễn ra. Từ nhạc cụ truyền thống, gánh hoa, múa dân gian, cải trang thánh, thần, phật, múa lân sư rồng và các anh hùng Trung Hoa cổ điển... được các đoàn thực hiện trong hơn 2 ngày trời.



Một điểm hay của nghi lễ chính là phần khai kinh kiệu Thiên Hậu, sẽ được rước từ Thiên Hậu Cung về Quan Đế Miếu để bà dự chung (phần này do Hội quán Hải Nam và Quan Đế Miếu cùng phụ trách) - Thêm một kiệu khác được rước về chính là kiệu Chiêu Ứng Công (từ hội quán Hải Nam). (thông tin cung cấp từ Diệp Bảo Hiền)


---


THANH LONG KHỔNG LỒ LỚN NHẤT ĐÔNG NAM Á



Điều đặc biệt của lễ hội chính là Thanh Long khổng lồ tuần du, Thanh long đi đến đâu, mọi người kéo theo đó, Thanh long với đầu rồng được làm hơn 100 năm trước hơn 60 ký, sau khi tuần du sẽ được thờ phụng ngay tại Quan Đế Miếu. Rồng thanh long xanh lá dài 49 mét làm bằng mây và tre, gồm 1 đầu, 15 sườn bụng, 3 sườn đuôi. Đầu rồng to và trái châu hình quả cầu được làm bằng mây, bởi mây vừa cứng bền vừa dẻo để vận hành cần hơn 100 người thành thục đảm nhiệm. Vẩy rồng được trang trí bởi gương nên đi đến đâu lấp lánh khắp một vùng.


Thanh Long được xem là vật cưỡi của Quan Thánh Đế Quân, do ông vốn là Long Vương nhưng phạm luật trời mới bị xử đày, điển hình gắn bó với ông chính là Thanh Long Yển Nguyệt Bảo Đao của ngài. Do đó mỗi khi Thanh long qua đâu tượng trưng cho Quan Công đến đấy, người dân hai bên treo hoành phi vải Cung Nghinh Thánh Giá, lập đàn cúng mong ngài phù hộ.




Quý nhất vẫn là tấm lòng của bà con, khi An Duyên đi chụp ảnh lưu niệm sự kiện, đã thấy rất nhiều hình ảnh đẹp, nhà dân hai bên đường mở ra các quầy nước miễn phí, có cô còn bưng cả mâm với nước ngọt, khăn lạnh phát cho người biểu diễn, đem ghế ra cho các chú lớn tuổi nhạc công dân gian ngồi nghỉ chân, đến An Duyên còn được phát khăn lạnh "con lau mắt, chụp cho rõ nhe"! Hay nhất vẫn là sự tôn kính từ đoàn diễu hành, đoàn đi ghé qua từng hội quán, đứng lại, biễu diễn đầy đủ tiết mục rồi mới đi tiếp, qua chùa người Việt cũng thế, đáng kính làm sao! Nhiều cô nhiều cháu nhỏ còn được đợi để chui qua kiệu ông, chui qua bụng rồng để mạnh giỏi.


Sự kiện diễn ra 2 năm / lần, trung tuần tháng 7 âm lịch nếu có dịp hãy ghé nhé! ---

bottom of page