VÍA THẦN TÀI 财神 - VIỆT NAM & TRUNG HOA KHÁC NHAU RA SAO?
top of page

VÍA THẦN TÀI 财神 - VIỆT NAM & TRUNG HOA KHÁC NHAU RA SAO?

Là người Hoa mất gốc, sống tại Chợ Lớn, trong nhà An Duyên vẫn giữ phong tục cúng vía Thần Tài mùng 10 hằng năm, nhưng lại đa phần theo văn hoá Việt Nam, nhìn sang Trung Hoa thấy có vài sự khác biệt. Bằng hữu ai có thêm kiến thức bổ sung giúp An Duyên để An Duyên được hiểu thêm người Hoa mừng Tết Thần Tài thế nào nha!

 


NGUỒN GỐC THẦN TÀI




Việt Nam:

Thần Tài được xem là một dạng thổ thần và có nhiệm vụ hộ mệnh cho xóm làng, cai quản khu vực đất đai và phù hộ, độ mệnh cho con người khỏe mạnh, phát tài phát lộc. Người dân Việt khi bước đầu đi khai hoang đã gặp phải rất nhiều thử thách, khó khăn. Cũng chính từ đây đã hình thành ý niệm có các vị thần luôn theo sát. Các vị thần đó được xem như chỗ dựa tâm linh vững chắc trên con đường khai hoang, mưu sinh của người dân.

Thần đất chính là thần bảo vệ cho mùa màng, hoa màu trái cây được tươi tốt, bội thu và đồng thời cũng là vị thần trông coi tiền tài, vàng bạc cho mọi người.


Trung Hoa:

Theo truyền thuyết Trung Hoa cổ đại, Thần Tài chính là nhân vật lịch sử Phạm Lãi – người có công phò giá Việt Vương Câu Tiễn phục dựng lại một đất nước bên bờ vực suy tàn.

Sau khi phò tá vua dẹp yên loạn lạc và mang sự phồn thịnh đến khắp nẻo quê hương; Phạm Lãi cùng người yêu là Tây Thi rời bỏ chốn quan trường; trở thành thương nhân giàu có và thành đạt. Người đời gọi vị thương nhân nổi tiếng này là Đào Châu Công và tôn ông làm Thần Tài.

Trong khi ở dị bản khác, Thần Tài là vị thần cai quản tiền bạc, của nải trên thiên đình vô tình bị “rơi” xuống hạ giới vì lỡ say rượu. Sa cơ lỡ vận, Thần Tài phải đi xin ăn. Nhưng đi đến đâu là ban phúc lộc, sung túc cho người dân đến đó.


THỜ CÚNG THẦN TÀI TRONG QUAN NIỆM VIỆT NAM & TRUNG HOA



Việt Nam:

Hoạt động thờ cúng Thần Tài ở Việt Nam của người Việt rất khác với người Trung Quốc, cùng thờ ông Thần Tài nhưng tại Việt Nam, nhất là ở miền Nam, ông Thần Tài được thờ chung bàn thờ với ông Địa và bàn thờ được đặt thấp ở xó xếp chứng không như người Trung Quốc, lễ vật thờ cúng cũng giản dị và tùy tâm.


Trung Hoa

Người Trung Hoa thường thờ Thần Tài rất long trọng, trong điện thờ hoặc miếu như một vị thần lớn chứ không phải như gia thần trong nhà như Việt Nam


HÌNH TƯỢNG THẦN TÀI



Việt Nam:

Thần Tài, một vị thần ý niệm, biểu trưng cho tiền tài, sự giàu có, mang hình tướng của Phúc Đức Chánh Thần có râu bạc của người Hoa, chỉ khác là một tay vuốt râu và tay kia cầm xâu tiền điếu (hay thoi vàng xuồng). Kế đó là loại Thần Tài tay ôm bó bông lúa, tay vuốt râu. Cá biệt cũng có loại Thần Tài giống ông Thọ (trong bộ Tam Đa) với cái đầu hói đặc trưng, tay cầm quạt ba tiêu, cổ đeo xâu tiền điếu quanh bụng, dài quá rốn…


Trung Hoa:

Thần Tài gồm 9 vị thường có râu đen (hay còn gọi là Cửu Lộ Thần Tài). Trong đó có 5 vị chính đại diện cho các phương hướng. Gồm:

Vương Hợi (trung tâm) - Trung Bân Tài Thần

Tỷ Can (hướng Đông) - Tài Lộc Chân Quân

Sài Vinh (hướng Nam) - Thiên Tài Tinh Quân

Quan Võ (hướng Tây)

Triệu Công Minh (hướng Bắc) - Tài Bạch Tinh Quân (Võ Thần Tài)


NGÀY VÍA THẦN TÀI

Việt Nam:

Theo tín niệm của dân gian, ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch hàng năm là ngày vía Thần Tài.


Trung Hoa

Tết Thần Tài là ngày kỷ niệm sinh nhật của Thần Tài. Diễn ra vào ngày mùng 5 Tết hàng năm


HOẠT ĐỘNG TRONG NGÀY VÍA THẦN TÀI



Việt Nam:

- Lau dọn bàn thờ Thần Tài

- Làm lễ đón thần tài (mở cửa hướng Tây sẽ đón tài lộc)

- Mua vàng để cúng

- Mua cá lóc nướng

- Kiêng: mặc áo rách, chửi bậy, cho lộc người ngoài.


Trung Hoa

- Đi lễ bái cầu may

- Nhận lì xì từ các “ông” Thần Tài để lấy vía cho năm mới may mắn, phát tài.

- Dậy sớm làm cơm cúng, dọn dẹp nhà cửa.

- Mở hết cửa lớn cửa nhỏ, treo đèn lồng mời thần tài vào nhà.

- Ăn sủi cảo và ăn đậu phụ vì hình tượng như bao vàng.

- Chọn mùng 5 khai trương lấy may và phát lì xì cho khách hàng và nhân viên.

- Trái cây, hoa, kẹo, trà, đèn cầy và động vật nguyên con (như vịt quay, heo quay), hải sản (tôm, cua)



Hình bóng ông thần tài luôn xuất hiện ở khắp mọi nơi, dù ở các con phố hay nơi thôn làng, nhà nào ở Chợ Lớn đều có thờ Thần Tài, Đối với người Hoa thì việc thờ cúng ông thần tài từ lâu đã là một thói quen trong tập quán của nhiều người vì sẽ giúp họ mua may bán đắt. Nét văn hoá đẹp này may mắn vẫn còn được lưu giữ đến hiện nay.

bottom of page